Những tháng muộn hơn của thai kỳ, các chuyên gia cho rằng nếu thai phụ nhiễm Zika cũng không loại trừ có những ảnh hưởng nhất định với sức khỏe của bé.
Chính vì vậy theo ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, phòng lây nhiễm Zika từ mẹ sang con đang được Bộ Y tế tập trung nhất.
Hiện Vụ Sức khỏe bà mẹ và trẻ em đang làm quy trình cụ thể để các cơ sở y tế ứng phó khi ghi nhận phụ nữ mang thai nhiễm Zika.
Tuy nhiên điều khó khăn là phải đến những tháng gần cuối của thai kỳ mới xác định được thai nhi có bị đầu nhỏ hay không, nên khâu tư vấn cho bà mẹ mang thai rất cần được ưu tiên.
Theo ông Nguyễn Văn Kính, giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư, có 1-10% trẻ có mẹ nhiễm Zika trong 3 tháng đầu thai kỳ bị dị tật đầu nhỏ, do virus Zika tấn công vào tế bào mầm thần kinh làm não không phát triển, gây tình trạng não bé. Các bé bị dị tật này cũng có thể bị ảnh hưởng về vận động, tuần hoàn... khi lớn hơn.
Ngoài ra, dù Zika được biết đến như một căn bệnh có thể tự khỏi, nhưng thử nghiệm trên chuột cho thấy virus Zika có thể gây cả chứng teo tinh hoàn ở chuột, đồng thời có thể tồn tại trong tinh hoàn/tinh dịch tới trên 6 tháng.
Vì vậy nếu chồng/bạn tình nhiễm Zika thì trong thời gian virus còn tồn tại kể trên, chị em hoàn toàn có thể bị lây căn bệnh này qua đường tình dục và nguy cơ ảnh hưởng tới thai nhi nếu có thai.
"Không phải căn bệnh gì có ở chuột thì cũng có ở người. Chứng teo tinh hoàn ở chuột là một gợi ý thêm để nghiên cứu nguy cơ trên người"- ông Vũ Ngọc Long (Cục Y tế dự phòng) phân tích.
Tuy nhiên điều đó cho thấy dù biểu hiện bệnh ban đầu là nhẹ nhưng Zika để lại những hậu quả lâu dài.
Số ca mắc ở Việt Nam đang tăng nhưng chưa đến mức bùng phát trên diện rộng, song nếu không tích cực từ bây giờ thì hậu quả có thể rất khó để tính đếm.
Bài học từ vụ dịch sởi năm 2014 cho thấy những ca mắc ban đầu rất lẻ tẻ và việc phòng chống chưa tập trung, và dịch đã bùng phát từ cơ sở những ca bệnh lẻ tẻ ban đầu này.
Bình luận của bạn